Monologue VII

Monologue VII

Q: Xin chào!
A: Rất vui được gặp lại trong Monologue VII.

Q: Monologue là gì và tại sao lại VII?
A: Monologue là tôi tự hỏi tự trả lời, VII vì đây là bài thứ bảy. Bạn có thể xem lại sáu bài trước theo link bên dưới bài viết.

Q: Nếu có ai đặt câu hỏi cho bạn thì sao?
A: Tôi rất vui được trả lời câu hỏi. Nhưng như bạn biết đấy, thật khó để tìm được những người trùng khớp mối quan tâm, bởi giờ đây có quá nhiều sự lựa chọn cho mỗi cá nhân, và tôi cũng không phải là người tích cực tương tác, trao đổi, yêu cầu hoặc năn nỉ.

Q: Hiện nay, để được đăng bài trên báo chí rất dễ, chỉ cần bỏ ra một chi phí để quảng bá bản thân bạn. Tại sao bạn không làm điều này?
A: Câu hỏi này tương tự câu một anh đồng nghiệp cũ đã hỏi tôi “Tại sao em không PR bản thân?” Tôi từng làm việc trong lĩnh vực Sales – Marketing – Event, nơi cho tôi nhiều kinh nghiệm và kỉ niệm. Sales thì tôi không có khiếu và không hứng thú, Event kết nối rất nhiều yếu tố, Marketing là một thách thức, nhưng nói về người khác không giống tự nói về mình. Tôi không tìm cách tỏ ra hay áp dụng những chiến thuật, chiêu trò, mà muốn thể hiện qua những gì đã và đang làm; việc cảm nhận về tôi như thế nào là do mỗi người. Mà thực ra, tôi cũng không có thành tích gì to tát lớn lao, đặc biệt trên bản đồ nghệ thuật tôi là số 0 tròn trĩnh. Bạn không thể tìm được dòng nào về tôi tương tự bản giới thiệu một hoạ sĩ, nghệ sĩ. Không tốt nghiệp trường Mỹ thuật, chưa có cuộc triển lãm nào, chưa tham gia workshop nào cũng chưa gửi tranh ở gallery nào. Tôi chỉ có 5 website cá nhân để đăng tranh, nhạc, bài viết, bài dịch của mình mà thôi.

Q: Có phải bạn đang “vạch áo cho người xem lưng”?
A: Đúng vậy, tôi đang kể về những điểm yếu. Dù sao tôi vẫn có những thế mạnh và con đường riêng. Tôi đang sống theo ý mình muốn, không theo một công thức nào.

Q: Điều này có nghĩa là bạn bất cần hay nổi loạn, phá cách?
A: Không chính xác là điều nào trong ba điều kể trên. Cứ hãy biết rằng tôi đang làm điều yêu thích: tạo nên những tác phẩm đẹp, sống cho chính mình và đóng góp những bông hoa cho xã hội.

Q: Thế thì nên gọi bạn là gì?
A: Đơn giản là “người yêu nghệ thuật”, trong tiếng Anh có thể là “art enthusiast” hoặc “all-art-lover”. Tôi không muốn gánh vác những từ ngữ lớn lao, vì bản thân tôi vẫn luôn là tôi nhưng một định nghĩa có thể được hiểu khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, như những người sáng tạo khác, tôi mong tác phẩm được biết đến với dấu ấn của tôi chứ không nhìn nhận như một bức tranh chung chung. Với một chiếc khăn mà tôi đan cũng vậy, hãy đừng quên tôi đã gửi tình cảm vào đó qua sự tận tâm và thời gian, bởi chỉ cần một khoản tiền nho nhỏ bạn cũng đã có thể mua ngoài thị trường một chiếc rất đẹp được dệt hàng loạt.

Q: Xin hỏi rẽ ngang một câu: tại sao bạn lại được gọi là Luna?
A: Chẳng lãng mạn chút nào đâu. Không phải vì tôi tên Nga, tên Hằng hay tôi muốn mình xinh đẹp, hiền hoà như mặt trăng, mà từ một chuyện nho nhỏ hồi mới vào đại học. Một hôm thấy anh sinh viên ngái ngủ, thầy giáo người Ý trêu “Tối qua anh đã ở đâu vậy?”, sau khi anh ấy trả lời gì đó thì tôi cũng nhanh nhảu “Sono in Luna”. Câu này sai cả về thời lẫn giới từ và thầy nghe thành “Sono il Luna” nên sửa “La Luna chứ không phải il Luna nhé. Mà em thích được gọi là Luna? Từ giờ thầy sẽ gọi em là Luna.” Tôi rất vui với vận may này, vì vừa thích cái tên ấy và người nước ngoài lại có thể phát âm dễ hơn. Khi ai đó muốn thử phát âm “Thuỷ”, tôi đều chấm điểm và từ trước tới giờ chỉ có mỗi một người được “30 e lode” (cao nhất trong thang điểm Ý).

Q: Quay lại câu chuyện thế mạnh của bạn, đó là gì?
A: Tôi làm nội dung, đăng các bài viết, tranh vẽ của mình lên các website cá nhân và mạng xã hội, tuy công khai nhưng không quảng bá rộng rãi. Tôi thích sự tình cờ, tình cảm chân thật, tính minh bạch, nguyên bản, xác thực. Và bạn cũng thấy, tuy đa dạng nhưng vẫn có sự nhất quán trong những điều tôi thể hiện qua tranh, nhạc, bài viết, hoạt động.

Q: Hẳn là bạn phải có những người hỗ trợ?
A: Không, chỉ là tôi có may mắn (và nỗi lực rèn luyện) biết sử dụng cơ bản nhiều công cụ khác nhau. Người ta nói “nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, còn tôi nếu muốn đi sâu vào bản thân thì lại phải đi một mình. Đằng sau tôi? Không ai chống lưng. Trước mặt tôi? Hầu như không ai, tôi không phải nghệ sĩ trình diễn, có tên tuổi trên báo chí và cũng không có người hâm mộ (thực lẫn ảo). Xung quanh tôi? Nhiều người lắm, nhưng họ có những mối bận tâm khác. Trong tim tôi? Chắc chắn là có, như vậy tôi mới có thể giữ thăng bằng, thêm động lực và tâm trí bay bổng.

Q: Tại sao bạn không tận dụng các mối quan hệ mà mình đang có?
A: Tôi từ chối trả lời câu hỏi này. Chắc hẳn phải có lý do, nhưng hoàn toàn không phải tiêu cực. Bạn có thể tìm đâu đó một phần trong lời tôi đã nói và các bài tôi đã đăng.

Q: Nếu không quảng bá rộng rãi thì bạn sống bằng cách nào?
A: Tác phẩm của tôi thuộc về thị trường ngách của ngách chứ không phải sản phẩm đại trà. Theo logic, càng có nhiều người biết đến thì khả năng gặp đúng người quan tâm càng tăng, nhưng vẫn còn có các kênh khác ngoài việc chạy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

Q: Bạn bán tranh như thế nào?
A: Ai cũng cần phải kiếm tiền hoặc có tiền, nhưng trọng tâm việc viết, vẽ của tôi không phải là giá trị thương mại. Tôi tự do thể hiện tinh thần và cảm xúc của mình. Do đó tác phẩm của tôi có thể có giá từ 0 đến vô cực. Khi nào có giá bằng 0 hoặc vô cực? Khi tôi tặng ai đó, như một sự quý mến giữa hai tâm hồn hoặc khi tôi muốn giữ lại bên mình. Khi nào có một mức giá? Không cụ thể, có thể dao động. Vậy tuỳ thuộc điều gì? Tuỳ thuộc vào việc bạn sẵn sàng trả bao nhiêu và tôi có sẵn sàng bán không. Có thể so với mặt bằng chung nó thấp hoặc cao (nếu tính vui theo kiểu cm vuông), bởi nó đem lại cảm xúc cho cả bạn và tôi.

Q: Bạn có thể nói rõ hơn về sự khác biệt về mức giá phải trả cho cùng một bức tranh?
A: Tôi vẽ bằng cảm xúc và tinh thần, tôi cũng muốn bạn sở hữu nó bằng cảm xúc và tinh thần. Nhiều người vẽ tranh, nhiều người yêu tranh, nhưng không phải bất kì hai điểm nào từ hai phía cũng có thể nối được với nhau; điều rất quan trọng nhất với tôi là sự đồng cảm, sau đó là sự đồng thuận về giá trị vật chất trao đổi với giá trị tinh thần.

Q: Bạn thích tranh nói chung được bán theo hình thức nào?
A: Tôi nghĩ có nhiều cách, ví dụ người bán tự đặt giá, người mua tự trả giá, đấu giá hoặc đặt hàng.

Q: Nếu tôi nhớ không nhầm thì bạn từng nói mình không thích vẽ tranh theo đặt hàng?
A: Đó là tôi chưa nói đến một cách đặt hàng khác. Thay vì phải vẽ theo ý muốn của người đặt hàng, tôi sẽ vẽ phác thảo trước và người đặt hàng có thể đồng ý hay không. Và tôi đã thực hiện một vài lần. Ngoài ra, điều mà tôi từng nói trong quá khứ giờ đây vẫn có thể thay đổi; đó là sự tiến triển theo lẽ thường hoặc đáp ứng thực tại chứ không phải tôi bịa đặt. Trong một khoảng thời gian, giữa những thăng trầm, tình huống bất khả kháng, chúng ta học hỏi, có thêm kinh nghiệm, cảm hứng, ý tưởng, hoặc xoay chuyển tình thế cho phù hợp với cuộc sống.

Q: Bạn nghĩ gì về thị trường tranh hiện nay?
A: Về thị trường thế giới, tôi chưa đủ thông tin và kiến thức để đánh giá; còn về thị trường Việt Nam, tôi có cảm giác nó đang ngày càng khởi sắc bởi vì ngày càng có thêm nhiều người giỏi về chuyên môn hội hoạ, phê bình, thẩm định, cảm thụ nghệ thuật và cũng có nhiều người đứng lên đấu tranh cho một thị trường trong sạch, công bằng. Đồng thời các tác giả có thể tự giới thiệu tác phẩm của mình trên nhiều kênh, không nhất thiết phải được báo chí đưa tin, tổ chức triển lãm rầm rộ, tự ca ngợi mình hay người nổi tiếng ca ngợi lẫn nhau. Tôi vẫn theo dõi “bức tranh của những bức tranh” và thích một số tác giả trẻ bên cạnh những tên tuổi lớn.

Q: Phong cách của bạn là gì?
A: Tôi đi theo nhiều hơn một phong cách và đề tài, tôi trân trọng sự đa dạng ở mọi lĩnh vực và sẽ thực hiện điều gì tôi có thể thực hiện được.

Q: Tại sao bạn lại đi theo nhiều phong cách?
A: Mỗi chúng ta ai cũng có nhiều niềm yêu thích, hàng ngày trải qua nhiều cảm xúc, tâm trạng, tình huống, hoạt động, thì một cá nhân cũng có thể thể hiện nhiều phong cách, miễn sao vẫn là chính mình. Tôi làm theo điều trái tim mách bảo và mong ai cũng vậy. Trong nghệ thuật đừng so sánh, hãy nhìn thẳng để biết mình yêu hay không yêu.

Q: Như vậy là đánh mất bản sắc?
A: Tôi không sợ mất bản sắc. Bản sắc của tôi là đa phong cách. Bạn có thể tìm thấy những điểm chung trong những tác phẩm của tôi. Đó là sức sống, sự lạc quan, đam mê, tình yêu. Nếu rẽ vào từng nhánh một, bạn sẽ thấy ballet là sự thăng hoa, tinh tế, nhưng ẩn sau đó là những nỗ lực lặng thầm. Tôi dùng những tia dài để thể hiện ánh sáng, mùi hương, âm thanh toả ra từ những động tác duyên dáng đầy nội lực đó. Còn với những chân dung nàng hoa, tôi diễn tả cảm xúc, tâm trạng của các cô gái. Tôi muốn các cô thật xinh đẹp, đội vương miện và vận trang phục như công chúa nhưng không phải vàng bạc châu báu hay gấm vóc lụa là, mà những bông hoa trong tự nhiên, đó còn là sự công bằng và quyền xinh đẹp bất kể giàu nghèo. Tôi cũng không cố gắng vẽ thật “ngầu” hay âm u, khó hiểu; tranh của tôi không diễn tả nỗi đau đớn hằn lên nét mặt, sự bùng nổ cuồng loạn hay mơ hồ sương khói, mà nếu có cảm xúc tiêu cực thì cũng ẩn giấu vào trong để mang ánh nắng đến cuộc đời. Tôi hy vọng người xem tranh có cảm giác nhẹ nhõm, trìu mến, ấm áp.

Q: Bạn có theo tích nào hay câu chuyện nào không?
A: Trong âm nhạc, tôi có cảm hứng từ đôi ba câu chuyện, nhưng trong hội hoạ tôi ít khi dựng lên một nhân vật theo hình mẫu có sẵn. Cái gì đến sẽ đến, chưa thể biết được trong tương lai tôi có phóng tác nhân vật nào không. Lúc này tôi vẫn đang phát triển một số series tự cảm hứng.

Q: Ồ, chúc bạn sáng tác thật nhiều. Tôi chỉ xin hỏi một câu nữa trước khi chúng ta tạm biệt nhau. Bạn có mong muốn gì về thị trường trong tương lai gần?
A: Một trong những điều ước cơ bản của tôi là mọi người sẽ bớt đồ đạc, treo thêm tranh, như vậy sẽ không gian sống sẽ rộng rãi hơn và có thêm nhiều cảm xúc đẹp, đồng thời khuyến khích nền nghệ thuật phát triển. Đa số chúng ta thích đi du lịch ngoài lý do được hoà mình giữa thiên nhiên còn muốn khám phá văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật… phải không bạn?

Q: Hẹn gặp lại trong buổi trò chuyện tiếp theo!
A: Cảm ơn bạn.

MONOLOGUE I-VI