Pop Art
Trong bối cảnh hỗn độn, những cuộc thử nghiệm diễn ra mọi nơi mọi lúc và chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng, một thế hệ nghệ sĩ mới đã xuất hiện ở Anh và Mỹ vào giữa đến cuối những năm 1950. Những nghệ sĩ này bắt đầu tìm kiếm nguồn cảm hứng và chất liệu trong môi trường ngay trước mắt của họ. Họ tạo ra tác phẩm nghệ thuật phản ánh, phê bình và đôi khi kết hợp hàng tiêu dùng, vật dụng hàng ngày, thông điệp và hình ảnh trên phương tiện truyền thông đại chúng. Mục tiêu của loại hình này là thu hút mối quan tâm phổ biến, gắn bó với nền văn hóa đại chúng và được gọi là Pop Art – Nghệ thuật đại chúng.
Các nghệ sĩ Pop Art hướng tới sự trực quan trong tác phẩm, sử dụng những mảng màu cơ bản đậm, thường lấy thẳng từ tuýp màu. Họ áp dụng những phương pháp quảng cáo thương mại như in lụa hoặc nhân bản nhiều kích cỡ, giảm tầm quan trọng của bàn tay nghệ sĩ và đánh đổ những ý tưởng độc đáo, trái ngược hẳn với những bức tranh trừu tượng quy mô lớn mang tính biểu cảm cao của những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng vốn thống trị nghệ thuật Mỹ thời hậu chiến. Các nghệ sĩ Pop Art ưa chuộng chủ nghĩa hiện thực, hình ảnh thường ngày (thậm chí trần tục), cùng nhiều sự mỉa mai và dí dỏm.
Nhưng nhiều nghệ sĩ Pop Art, bao gồm Andy Warhol và Roy Lichtenstein, rất ý thức về quá khứ. Họ tìm cách kết nối truyền thống mỹ thuật với văn hóa đại chúng của truyền hình, quảng cáo, phim nhựa và phim hoạt hình. Đồng thời, họ thách thức ranh giới truyền thống giữa phương tiện và kỹ thuật, kết hợp hội họa với nhiếp ảnh và in ấn, các yếu tố thủ công và sản xuất sẵn hoặc sản xuất hàng loạt, đồng thời kết hợp các đồ vật, hình ảnh và đôi khi là văn bản để tạo nên ý nghĩa mới.